Năm 2019, không có nguy cơ bong bóng bất động sản

Dựa trên diễn biến của thị trường bất động sản trong năm 2018 cùng các giải pháp được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, một số chuyên gia nhận định thị trường 2019 có thể vẫn xảy ra tình trạng tăng giá đất nền cục bộ tại một số khu vực nhưng giá sẽ không tăng đột biến và thị trường không có nguy cơ xảy ra “bong bóng”.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, năm 2018, thị trường bất động sản phát triển tương đối ổn định. Thị trường đã có sự sôi động, lan tỏa trên hầu hết các vùng, miền. Thanh khoản ở các dự án tương đối tốt, lượng giao dịch nhà ở tăng cao. Nhưng trên từng địa bàn vẫn xảy ra những cơn sốt nóng, nhất là tại TP.HCM, Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong…

Ông Nguyễn Văn Sinh cho rằng nguyên nhân dẫn đến thị trường bất động sản năm 2018 vẫn xảy ra một số hiện tượng sốt nóng là do một số nhà đầu tư lợi dụng thông tin thành lập 3 đặc khu để thu gom, đẩy giá đất lên cao. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương chưa chú trọng quản lý về giao dịch và sử dụng đất đai.

Thiếu nhà ở bình dân

Tuy nhiên, ông Sinh cho rằng những bất ổn đó đã được Nhà nước điều tiết kịp thời và hiệu quả. “Các giải pháp hạ “cơn sốt” đất nền thành công mà chúng ta vừa đề cập ở trên là một minh chứng rõ nét. Cùng với đó, hệ thống chính sách liên quan đến thị trường bất động sản cũng đang phát huy tính tích cực”, ông Sinh nói.

Tại các cuộc hội thảo, tọa đàm về thị trường bất động sản gần đây, nhiều chuyên gia đã đề cập đến tình trạng lệch pha cung – cầu nhà ở. Thực tế cũng cho thấy thị trường đang có nguy cơ thừa nguồn cung nhà ở trung, cao cấp, trong khi nguồn cung nhà ở bình dân đang rất thiếu.

Theo thống kê từ các sàn giao dịch bất động sản, nhu cầu về nhà ở thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng 20 – 30% tổng nhu cầu thị trường, song các chủ đầu tư thường tập trung phát triển phân khúc này. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở bình dân, nhà xã hội, nhà giá thấp chiếm tới 70 – 80% lại không được chú trọng đầu tư.

Riêng với phân khúc nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đến nay mới hoàn thành được 3,92 triệu m2, chỉ đạt khoảng 31% mục tiêu đề ra, nhưng hiện lại đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tín dụng cho vay ưu đãi.

Một vấn đề nữa mà nhiều nhà đầu tư thường lo ngại là cơ chế, chính sách liên quan đến giao đất, cho thuê đất, đầu tư kinh doanh các dự án condotel, officetel, hometel… đến nay chưa rõ ràng, dễ dẫn đến rủi ro cho người mua.

Ngoài ra, tình trạng tranh chấp trong quản lý, sử dụng nhà chung cư giữa chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân, tranh chấp trong giao dịch mua bán nhà ở hình thành trong tương lai vẫn còn diễn ra ở nhiều tòa nhà chung cư, nhiều dự án, ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng và gây bất ổn xã hội.

Điều tiết thị trường ổn định

Ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ, hiện nay, Bộ Xây dựng đang nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế của thị trường bất động sản.

Bộ này sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, nhà ở, xây dựng, quy hoạch đô thị nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng mới chính sách thuế nhằm chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, góp phần bình ổn thị trường và quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.

Đối với tính pháp lý của condotel, officetel, biệt thự nghỉ dưỡng…, ông Sinh cho biết Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu bổ sung, hướng dẫn làm rõ quy định về chế độ sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình; nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy định về quản lý vận hành…

Một nhiệm vụ chính trị trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Bộ sẽ tiếp tục đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sớm bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội. Đồng thời, Bộ sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở.

Để đưa ra quyết định thu hồi, tạm dừng, giãn, hoãn hoặc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm bất động sản cho phù hợp với quy hoạch và nhu cầu thực tế của từng nhóm đối tượng, ông Sinh cho biết Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản.

Bộ cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư các dự án mới, nhất là các dự án nhà ở cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng… để khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu.

Dựa trên diễn biến của thị trường trong năm 2018 cùng các giải pháp được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, ông Sinh dự báo thị trường 2019 có thể vẫn xảy ra tình trạng tăng giá đất nền cục bộ tại các khu vực có triển khai hoặc hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn, các khu đô thị mới được đầu tư đầy đủ hạ tầng…

“Thị trường bất động sản trong năm nay sẽ tiếp tục phát triển ổn định, giá sẽ không tăng đột biến, không có nguy cơ xảy ra bong bóng”, ông Sinh nhấn mạnh.

(Theo Thời báo Kinh Doanh – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

Cơ hội và thách thức trên thị trường bất động sản năm 2019

PGS-TS. Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, mặc dù năm 2018, thị trường bất động sản Việt Nam có những thăng trầm, nhưng nhìn chung là một năm tốt đẹp trên nền tảng ổn định.

Cơ hội

Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, năm 2018, Chính phủ kiểm soát được thị trường bất động sản, dòng vốn đầu tư rõ hơn, làm thay đổi cơ cấu đầu tư sản phẩm trên thị trường. Sự ổn định chính sách cũng tốt hơn, điển hình là Chính phủ đã quan tâm và đưa ra chỉ thị về quản lý, vận hành nhà chung cư.

“Nhìn chung, năm qua chính sách có nhiều điểm rõ ràng, minh bạch hơn. Tuy nhiên, vẫn vướng nhiều thứ. Chẳng hạn Nghị định 20 của Chính phủ về khống chế trần lãi vay 20%, nhiều người cho rằng tốt nhưng nhiều người lại cho rằng đó là “kiềm chế”, ông Khởi chia sẻ. Mặc dù vậy, theo ông Khởi, từ số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đầu tư vào bất động sản vẫn tăng cao, khoảng 85.000 tỷ đồng. Thứ hai là cho vay tiêu dùng vẫn cao, chiếm khoảng 68.000 tỷ đồng và thứ ba, đầu tư đất nền dư nợ tín dụng gần 42.000 tỷ đồng.

TS. Võ Trí Thành – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nhận định, bất động sản vẫn là lĩnh vực nền tảng cho sự phát triển. Trong khó khăn, so với các loại tài sản tài chính khác, bất động sản vẫn được coi là “hầm trú ẩn an toàn”, giúp bảo toàn đồng vốn cho nhà đầu tư.

“Chúng ta còn khoảng 65 tỷ USD trong dân (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới) và bất động sản sẽ vẫn là kênh đầu tư có thể đem lại hiệu quả cho dòng vốn, là điểm hứng khởi trong năm 2019, TS. Thành cho biết.

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, Việt Nam là một trong 5 nước có mức độ tăng trưởng kinh tế khả quan nhất tại châu Á với mức tăng trưởng GDP cao và ổn định. Các tổ chức kinh tế thế giới dự báo, năm 2019 Việt Nam có thể đối mặt với thách thức nhưng mức tăng trưởng vẫn được duy trì từ 6,6% – 6,8%.

Thêm nữa, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục hướng về Việt Nam bởi trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam luôn là nơi hấp dẫn nhất trong khu vực.

“Đến thời điểm này, mặc dù số vốn FDI đăng ký có giảm nhưng giải ngân lại tăng, đạt 16,5 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ 2017”, ông Lực cho biết và nhận định, thị trường bất động sản hưởng lợi rất lớn từ nguồn vốn này.

Không ít thách thức

Tuy vậy, thách thức cũng không ít khi áp lực tăng lạm phát rất lớn, có thể vượt 4% vì nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, giá dịch vụ, y tế… đều tăng. Bên cạnh đó là những yếu tố khó lường từ kinh tế thế giới như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều quốc gia và những tác động từ các thị trường tài chính đang diễn biến rất phức tạp…

“Cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức nhưng thị trường sẽ có những diễn biến phức tạp, cạnh tranh rất khốc liệt. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để ứng phó với các kịch bản của năm 2019. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến giải pháp về kinh tế số, số hóa bất động sản để nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong điều hành”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Thị trường bất động sản 2019 đan xen thách thức và cơ hội. Thách thức như tại TP.HCM, năm 2018, nguồn cung sụt giảm, giá giảm cho nên sẽ có nhiều biến động trong năm 2019. Bên cạnh đó, việc mất cân đối giữa cung và cầu cũng dẫn đến sự lệch pha sản phẩm trên thị trường giữa căn hộ bình dân, cao cấp và trung cấp khiến thị trường thiếu bền vững. Ở một diễn biến khác, phân khúc nhà ở xã hội năm 2018 chưa triển khai được, đang rất yếu do vướng nguồn vốn chính sách.

Quản lý tài sản công thiếu mảnh ghép cuối cùng, do đó năm 2019, thị trường bất động sản tiếp tục phức tạp. Đối với phân khúc nhà ở cao cấp đang có hiện tượng thừa cung trên thị trường. Tỷ trọng nhà đầu tư thị trường thứ cấp và cao cấp chiếm tỷ lệ rất cao. Đặc biệt từ ngày 1/1/2019, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, trong đó có bất động sản, do đó các dự án bất động sản tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngày càng khó.

Ông Đặng Văn Quang – Giám đốc JLL Việt Nam, dự báo năm 2019, bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô như thế nào, nhu cầu nhà ở của người Việt Nam vẫn rất cao. Vấn đề là các nhà đầu tư sẽ cung cấp những sản phẩm bất động sản như thế nào để phù hợp nhu cầu của người mua.

“Từ 2019 trở về sau, các đô thị khác ngoài thị trường truyền thống Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng sẽ phát triển, có thể là Cần Thơ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng… sẽ là nơi các nhà đầu tư tìm đến. Việc đó sẽ làm các nhà đầu tư phân tán rủi ro mang tính địa lý”, ông Quang nói.

Bài viết liên quan

0918712885