Nhiều người nghĩ rằng uống rượu bia nhiều mới có hại sức khỏe, thực tế lượng uống an toàn tùy thuộc nhiều yếu tố như độ cồn, cơ địa.
Về khối lượng rượu bia tiêu thụ, thế nào được gọi là uống nhiều, uống ít rất khó để đong đếm cụ thể. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Sức khỏe tâm thần Trung ương, cho biết không có bằng chứng khoa học nào chứng minh uống rượu với lượng vừa phải tốt cho sức khỏe. Nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau và phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, đặc tính sinh học…
Do đó, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Nguy cơ sẽ tăng lên tương ứng với lượng cồn tiêu thụ.
Rượu là nguyên nhân trực tiếp gây hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Dù sử dụng ít hay nhiều cũng gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe đồng thời cũng làm chậm khả năng xử lý khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, vận hành máy móc.
Nếu bắt buộc phải uống, liều lượng ít gây hại nhất mỗi ngày là một lon bia khoảng 330 ml (5% alcohol) hoặc 100 ml rượu vang (12% alcohol) hay 40 ml whisky (40% alcohol), pha kèm với đá lạnh. Phụ nữ mang thai hoàn toàn không nên uống bia rượu. Thai phụ cá biệt vẫn sử dụng rượu thì nên dưới 1-2 đơn vị một tuần và không được say.
Thông thường, mọi người pha rượu bia với nước ngọt, trái cây để giảm độ cồn và hạn chế cơn say. Tuy nhiên, hầu hết đều pha rượu theo cảm tính, không dựa trên tỷ lệ khoa học.
Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thùy Linh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng pha trộn rượu với các loại hoa quả tươi có nguồn gốc rõ ràng như mận, táo, nho, không ảnh hưởng nhau. Pha rượu với những loại nước có ga, bia, caffein, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu… thì rất có hại cho sức khỏe.
Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP HCM, rượu giàu calo (7calo/g) còn hàm lượng của caffeine trong các thức uống 35-200 mg. Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.
Uống rượu pha bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say nhưng lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy. Lạm dụng rượu pha còn làm suy yếu sức khỏe, gây mệt mỏi, trầm cảm thậm chí là nghiện rượu.
Nước ngọt có gas hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn làm bạn đau đầu, chóng mặt. Ethanol có hại cho não bộ, suy giảm trí nhớ, kém linh hoạt, giảm thông minh, thậm chí mất ý thức khi uống quá nhiều. Kết hợp rượu và nước ngọt cũng làm giãn mạch máu ở da nhưng lại gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong.
Nhiều người cho rằng uống bia ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Theo ông Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Cục Y tế dự phòng), đây là quan niệm không đúng bởi tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra. Chất cồn có trong rượu bia chính là chất gây ra tác hại đối với sức khỏe và làm người uống bị nghiện rượu bia.
Ngoài ra, chất cồn trong rượu bia gây nhiễm độc cấp tính hoặc mạn tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ý thức, ảnh hưởng đến hành vi. Từ đó gây ra các ảnh hưởng về sức khỏe và xã hội cho người uống và người xung quanh như làm giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, tai nạn thương tích, bạo lực gia đình…