AEON hợp tác Fivimart lỗ 157 tỷ

 Việc hợp tác của Fivimart với  AEON được kỳ vọng sẽ giúp Fivimart thay đổi việc quản lý hệ thống, hỗ trợ gắn kết thương hiệu, thay đổi phương pháp điều hành và mở rộng hệ thống rõ rệt. Tuy nhiên trên thực tế lại không đạt kỳ vọng này.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy của chúng tôi cho biết, Tập đoàn Nhật Bản AEON và Công ty CP Nhất Nam (chủ quản chuỗi siêu thị Fivimart) đã hoàn tất đàm phán nhượng lại chuỗi siêu thị Fivimart cho một doanh nghiệp trong nước. Giá trị thương vụ vẫn chưa được tiết lộ.

Cũng trong ngày hôm nay, Fivimart đã công bố việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu đến các đối tác, khách hàng. Theo đó, kể từ ngày 28/9, Fivimart sẽ chỉ sử dụng logo Fivimart mà không đặt kèm logo AEON như 4 năm hợp tác.

Ghi nhận của chúng tôi tại các siêu thị trong hệ thống Fivimart trong 2 ngày 26-27/9 đã tiến hành che hoặc xóa đi logo của AEON trên biển hiệu. Website Fivimart trong 2 ngày 26-27/9 cũng ở trong trạng thái tạm dừng hoạt động. Fanpage của Fivimart ngày 25/9 cũng tiến hành cập nhật ảnh bìa với logo Fivimart và không gắn kèm logo AEON.

Trên thực tế, những đồn đoán về việc dừng hợp tác giữa Fivimart và AEON đã xuất hiện trên thị trường khoảng 1 tháng nay. Từ đầu tháng 9, báo Đầu tư cũng đã đưa tin về việc AEON đăng thông cáo báo chí về việc kết thúc hợp tác với chuỗi siêu thị Fivimart tại Việt Nam sau 4 năm đầu tư không mấy thành công.

Cụ thể, AEON đánh giá mối quan hệ với Fivimart không đem lại nhiều hiệu quả. Tập đoàn này sẽ bán đi 30% cổ phần đang nắm giữ tại Fivimart cho bên thứ ba. AEON cho rằng động thái rút vốn khỏi Fivimart sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn này tại Việt Nam.

Thời điểm mới bắt tay hợp tác năm 2015, Fivimart có 10 siêu thị, và hiện đã tăng lên 23 siêu thị. Doanh thu năm 2015 chỉ là 1.075 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng lên 1.269 tỷ đồng.

Việc hợp tác với AEON được kỳ vọng sẽ giúp Fivimart thay đổi việc quản lý hệ thống, hỗ trợ gắn kết thương hiệu, thay đổi phương pháp điều hành và mở rộng hệ thống rõ rệt. Tuy nhiên trên thực tế lại không đạt kỳ vọng này.

Báo cáo tài chính của Fivimart cho thấy, giá vốn bán hàng của doanh nghiệp trong 2 năm liên tiếp là năm 2016-2017 đều ở trên mức 1.000 tỷ đồng, bằng 80% doanh thu do đó lợi nhuận bị bào mòn chỉ còn vỏn vẹn hơn 242 tỷ đồng (năm 2017). Các khoản chi phí như chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lên đến gần 272 tỷ đồng và chi phí tài chính hơn 11,8 tỷ đồng trong năm 2017.

Aeon gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008. Năm 2011, Ministop (thành viên AEON) hợp tác cùng G7 ra mắt chuỗi cửa hàng tiện lợi G7-Ministop. Tới năm 2015, việc hợp tác này không hiệu quả khiến Ministop dừng hợp tác với Trung Nguyên và chuyển sang bắt tay đối tác Nhật Sojitz, đặt mục tiêu mở 800 cửa hàng trong vòng 8 năm tới.

Cũng trong năm 2015, AEON đầu tư vào 2 chuỗi siêu thị Fivimart (30%) và Citimart (49%). Trước đó, năm 2014, AEON khai trương trung tâm thương mại AEON Mall đầu tiên tại quận Tân Phú, TPHCM.

Sau khi rút sự hiện diện khỏi 23 siêu thị Fivimart tại Hà Nội, AEON vẫn duy trì mối quan hệ với Citimart tại TPHCM. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Citimart sau khi hợp tác cùng AEON cũng không khả quan hơn. Citimart cũng báo lỗ 91 tỷ đồng trong năm 2015 và trong năm 2016 tiếp tục lỗ 33 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Citimart tính tới cuối năm 2016 cũng lên tới 157 tỷ đồng.

AEON hiện có 4 trung tâm mua sắm tại TPHCM, Hà Nội và Bình Dương, đang xây dựng thêm 2 trung tâm thương mại mới tại Hà Nội và Hải Phòng, đặt mục tiêu 20 trung tâm mua sắm trên toàn quốc.

AEON cũng cho biết đang chuẩn bị mở thêm nhiều siêu thị nhỏ tại các thị trường châu Á mới nổi như Campuchia, Myanmar và Việt Nam, nhằm mục đích nâng số lượng siêu thị tại Việt Nam lên con số 500 vào năm 2025.

Giấc mơ phổ biến túi nilon làm từ bột ngô tại Việt Nam

Một chiếc túi nilon thông thường sẽ cần tới hàng trăm năm để phân hủy hoàn toàn khi thải ra môi trường nhưng với loại làm từ bột ngô thì chỉ cần 1 năm. Tuy nhiên, túi nilon làm từ bột ngô đắt gấp 2-2,5 lần so với loại bình thường.

Dùng túi nilon từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều tiêu dùng ở Việt Nam. Mua một kg đường, một mớ rau hay bất kể một thứ gì, cũng đều được bỏ vào túi nilon. Chị Nguyễn Hoàng Ly ở Thanh Xuân – Hà Nội cho biết: Mỗi lần đi chợ, trung bình chị dùng khoảng trên dưới 10 cái túi nilon/ngày.

Sau khi sử dụng một lần, hầu hết túi nilon trở thành rác thải và mất khoảng vài trăm năm cho việc phân hủy hoàn toàn một chiếc. Và chỉ cần hình dung đơn giản số túi nilon mà các bà nội trợ sử dụng mỗi ngày chứ chưa kể đến nhu cầu cho hàng nghìn loại hình dịch vụ khác cũng có thể thấy mối nguy hại mà túi nilon gây ra đối với môi trường thế nào.

Tuy nhiên, cùng là túi nilon, nếu người tiêu dùng chọn được loại túi tự hủy, thân thiện với môi trường thì câu chuyện sẽ khác và tại Việt Nam cũng đã có công ty sản xuất ra sản phẩm này.

Bà Nguyễn Lệ Hằng – Phó Tổng giám đốc An Phát Holdisng – Giám đốc Phát triển bền vững (CSR Director) của An Phát cho biết, năm 2009, ban lãnh đạo nhận thấy nhiều khách hàng và đối tác có nhu cầu lớn đối với túi, bao bì màng mỏng, màng phức… làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường nên công ty quyết định lên dự án sản xuất.

Các túi nilon này làm từ bột ngô được polymer hóa, nhựa PBAT,… có khả năng tự phân hủy hoàn toàn trong vòng 1 năm chôn dưới đất trong điều kiện thông thường, mà không gây ô nhiễm đất, nước và hệ sinh thái.

Gần 4 năm sau khi nhận chuyển giao thiết bị, An Phát đã có thể làm chủ được công nghệ sản xuất túi nilon tự hủy, thân thiện với môi trường. Dòng sản phẩm này được sản xuất từ hạt vi sinh tự hủy với khả năng tự hủy sinh học. Các sản phẩm này sau khi sử dụng sẽ được xử lý bằng phương pháp chôn xuống đất.

Sau khoảng thời gian một năm (tiêu chuẩn châu Âu), túi sẽ tự phân hủy thành mùn nuôi cây, nước và khí CO2. Đây là dòng sản phẩm ưu việt trên thế giới, phù hợp với sự lựa chọn nguyên liệu sản xuất rất khắt khe, đạt tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản của An Phát.

Theo bà Hằng, trong các năm tới, công ty sẽ chú trọng để phát triển các sản phẩm tự hủy vì các thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU… rất ưa chuộng và đây cũng là định hướng chiến lược phát triển của các sản phẩm “xanh” của công ty. Về dài hạn, sản phẩm túi tự hủy sẽ là sản phẩm chính của An Phát. Theo tính toán, đến 2019, các nhà máy chạy hết công suất và doanh thu sẽ gấp đôi hiện tại (khoảng hơn 4.000 tỷ đồng) và sản lượng khoảng 8.000 tấn/tháng.

Hiện nay, dù là doanh nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất bao bì màng mỏng nhưng doanh thu của An Phát chủ yếu đến từ xuất khẩu. Sản phẩm có chất lượng cao và được chứng nhận quốc tế về môi trường, nhưng An Phát chưa thể bán ở thị trường nội địa.

Toàn bộ các loại túi và màng mỏng PE của An Phát đều được xuất khẩu theo các đơn đặt hàng của nước ngoài (thị trường chính là Mỹ, Nhật, Australia, châu Âu). Túi tự huỷ hiện chỉ chiếm 10% sản lượng của công ty, có chi phí và giá thành cao hơn gấp 2-2,5 lần so với túi nilon trên thị trường hiện nay. Rào cản chi phí cùng với thói quen của người tiêu dùng được xác định là nguyên ngân khiến các sản phẩm “xanh” của An Phát vẫn phải “đứng ngoài trên chính sân nhà”.

“Để tiếp cận với thị trường, năm 2017 chúng tôi đã phối hợp với 1 số siêu thị để phát tặng túi nylon tự hủy miễn phí cho người dân. Về cơ bản khách hàng đón nhận rất tích cực. Tuy nhiên, do chi phí cao hơn nhiều so với túi nylon thông thường nên các chủ doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cho sản phẩm này” – bà Hằng chia sẻ.

Theo bà Hằng, để sản phẩm túi nilon tự hủy trở thành phổ biến đối với người tiêu dùng Việt Nam thì cần thêm sự chung tay của cơ quan quản lý, cũng như sự ủng hộ của các nhà phân phối và doanh nghiệp trong nước.

Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó nilon sẽ bị nâng khung mức thuế từ 40.000 đồng lên 80.000 đồng/kg. Theo An Phát, việc này có thể khiến các loại túi nilon thông thường trên thị trường tăng giá mạnh, lên mức 100.000 – 120.000 đồng/kg.

Nếu dự thảo được thực thi, đây sẽ là một cơ hội với các loại túi tự huỷ, khi đó giá thành sản phẩm sẽ ngang nhau và An Phát hoàn toàn có thể bán tại Việt Nam. Đối tượng hướng đến đầu tiên có thể là các siêu thị lớn, cửa hàng tiện ích… đang được mở ra rầm rộ.

Everpia sẽ không vội vã trong cuộc chiến dành lợi thế từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Theo ông Cho, nhiều doanh nghiệp đã vội vã mở rộng nhà máy để đón sóng TPP nhưng quy mô thị trường chưa tăng lên tương ứng. Everpia sẽ không vội vã đầu tư nhà máy mới cho đến khi cơ hội rõ ràng hơn.

Trong buổi Analyst Meeting quý 3/2018 tổ chức sáng 27/9, Công ty cổ phần Everpia (mã chứng khoán EVE) công bố 8 tháng đầu năm 2018, công ty đạt doanh số 717 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2017. Doanh thu tăng mạnh đồng thời kiểm soát được chi phí nên công ty đạt lãi sau thuế 55,2 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Hai mảng kinh doanh chính của Everpia đều đạt mức tăng trưởng kỳ vọng, trong đó ngành hàng Chăn ga gối đệm đạt 393 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với cùng kỳ. Bông tấm đạt 263 tỷ đồng, tăng 21%. Kinh doanh khăn mang lại 60 tỷ doanh thu trong 8 tháng đầu năm.

Tuy đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2017 nhưng nếu so với kế hoạch kinh doanh cả năm 2018 thì công ty vẫn còn cách khá xa mục tiêu với mức độ hoàn thành lần lượt là 62% và 48% doanh thu, lợi nhuận cả năm.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên, chuyên viên phân tích về việc với kết quả kinh doanh vẫn còn cách rất xa mục tiêu năm thì liệu năm 2018, công ty có thể cán đích không, lãnh đạo Everpia cho biết thời tiết bắt đầu trở lạnh và bây giờ mới bắt đầu mùa cao điểm kinh doanh của công ty. Everpia kỳ vọng sẽ cán đích kế hoạch năm đã được đại hội cổ đông giao phó.

Kênh thông tin tài chính chứng khoán CafeF có câu hỏi rằng: “Thời gian qua, ai cũng nói về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và nhận định rằng dệt may Việt Nam được hưởng lợi. Cuộc chiến tranh đã thật sự xảy ra và tác động rất lớn đến thương mại toàn cầu. Đối với nhiều doanh nghiệp, cuộc chiến này có thể mang lại cơ hội bán hàng gấp rất nhiều lần năng suất hiện hữu. Vậy, công ty có thể chia sẻ các con số cụ thể cuộc chiến này có thể mang lại cho công ty hay không? Công ty cho biết năng lực sản xuất hiện tại đáp ứng ra sao nếu đơn hàng đồng loạt đổ về đồng thời có kế hoạch mở rộng để đáp ứng nhu cầu tăng thêm không?”, ông Cho Yong Hwan – Phó Tổng giám đốc phụ trách bộ phận Kinh doanh của Everpia cho biết Everpia sẽ không vội vã trong cuộc chiến dành lợi thế từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Lý giải cho việc không chạy đua đón đầu cơ hội từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, ông Cho nói rằng mặc dù chính Everpia đã và đang nhận được nhiều đơn hàng hơn kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra nhưng không có nghĩa là sẽ đầu tư mở rộng ngay để đón cơ hội này. Theo ông Cho, bài học đắng cay nhiều doanh nghiệp Việt vội vàng đổ tiền mở rộng nhà máy sản xuất để đón đầu TPP vẫn còn đó. Cơ hội khi nhìn nhận từ phân tích có thể rất hay nhưng cuộc chơi toàn cầu là một cuộc chơi lớn, có nhiều yếu tố chúng ta không kiểm soát được. Hưởng lợi là có thật nhưng hưởng lợi bao nhiêu còn tuỳ thuộc vào dòng vốn toàn cầu lưu chuyển thế nào, chính sách bảo hộ kinh tế của các bên tham gia, danh mục hàng hóa  được hưởng ưu đãi thuế xuất…

Ông Cho cho biết thêm, việc Everpia không mở rộng nhà máy không có nghĩa là công ty đứng ngoài cơ hội này. Trong giai đoạn tái cấu trúc nhà máy vừa qua, công ty đã tăng được năng lực sản xuất thêm 30% mà không cần xây dựng mới. Với năng lực sản xuất tăng thêm đó cộng với hiện đại hóa dây chuyền sản xuất tại các nhà máy thì công ty đã có thể đáp ứng thêm ít nhất 60% nhu cầu tăng thêm.

Bài viết liên quan

0918712885